Rà soát, thực hiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo đúng quy định pháp luật
Theo thông tin từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục
PTTH&TTĐT) cho biết trong thời gian qua, sau khi Bộ Thông tin và Truyền
thông tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ mạng
xã hội thì hoạt động này đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua theo dõi,
giám sát hoạt động của các mạng xã hội, Cục PTTH&TTĐT nhận thấy hoạt động cung
cấp dịch vụ mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước vẫn còn tồn tại
một số vấn đề cần quan tâm và nhắc nhở, cảnh báo tổ chức, doanh nghiệp, cụ thể
như sau:
- Một số mạng xã hội vẫn có các biểu hiện báo
hóa, như: (i) Về hình thức: Cách
trình bày giao diện gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí, thường ghi chung chung
mà không ghi rõ là loại hình mạng xã hội; Giao diện trang chủ
của mạng xã hội bố trí thành các chuyên mục và đăng tải, tổng hợp các bài báo, hiển thị nội
dung bài viết, tiêu đề, nội dung, chú thích ảnh, video-clip... như một tờ báo
điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; (ii) Về nội dung: Tổng hợp tin bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các
thông tin tiêu cực, giật gân; không có hoặc ít người dùng tương tác, chia sẻ
thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là
các bài báo;
tự sản xuất tin bài như cơ quan báo
chí nhưng đăng dưới dạng người dùng đăng tải (một trang không quá 20 tài khoản đăng tải); (iii) Về kỹ thuật: không có tính năng cho người dùng “Đăng ký”, “Đăng nhập” hoặc chỉ mang tính chất
hình thức, đối phó, người dùng không thể đăng tải ý kiến, nội dung lên
mạng xã hội; (iv) Về hoạt động: Cử nhân sự tới cơ quan, đơn vị để thu thập tin tức, tài liệu để viết bài, sản xuất sản
phẩm truyền thông như phóng viên, nhà báo tác nghiệp, thậm chí dọa dẫm, vòi tiền
để không đăng hoặc gỡ bỏ nội dung đã đăng....;
- Có tình trạng một số tổ
chức, doanh nghiệp đã “lợi dụng” giấy phép mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ
ứng dụng chuyên ngành, điển hình là dịch vụ phát thanh, truyền hình; thương mại
điện tử; giáo dục, đào tạo trực tuyến; xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện
tử; dịch vụ y tế trực tuyến….;
- Nhiều tổ chức, doanh
nghiệp thiết lập mạng xã hội chưa thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ được
quy định trong Điều 25 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 quản lý, cung
cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là việc thực
hiện chế độ báo cáo.
Ảnh: Internet
Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về hoạt
động mạng xã hội, Cục PTTH&TTĐT đã ban hành Công văn số 1718/PTTT&TTĐT
ngày 26/06/2024 yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp căn cứ tiêu chí nhận diện “báo hóa” mạng xã hội được ban hành bởi Quyết
định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
và các quy định pháp luật khác có liên quan để rà soát, tự kiểm tra đảm bảo
hoạt động thiết lập mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ đúng quy
định của Giấy phép được cấp và các quy định của pháp luật về thiết lập mạng xã
hội.
Sở Thông tin và
Truyền thông các tỉnh, thành phố chủ động kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh
nghiệp thiết lập mạng xã hội trên địa bàn và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp
thời đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.