(stttt.binhthuan.gov.vn) Chữ ký số có vai trò quan trọng
trong lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo tính xác thực, an toàn và bảo mật
trong các giao dịch trực tuyến, từ đó giúp ngăn chặn gian lận, rủi ro pháp lý
và thúc đẩy niềm tin giữa các bên tham gia.
Chữ ký số
là gì?
Theo Khoản 12 Điều 3 Luật số 20/2023/QH15 - Luật Giao dịch điện tử năm 2023 được Quốc hội
thông qua ngày 22/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, chữ
ký số được định nghĩa như sau:
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Chữ ký số là "chữ ký điện tử" sử dụng thuật toán khóa không đối xứng,
gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số
và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số.
Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ
nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
03 loại chữ ký điện tử theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023
Luật Giao
dịch điện tử năm 2023 có quy định về 03 loại chữ ký điện tử. Theo đó, 03 loại chữ ký điện tử
được phân loại theo phạm vi sử dụng gồm:
- Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo
lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ.
- Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công
cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng.
- Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt
động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Yêu cầu đối với chữ ký điện tử chuyên
dùng
- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối
với thông điệp dữ liệu.
- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ gắn duy nhất với nội dung
của thông điệp dữ liệu được chấp thuận.
- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ
thể ký tại thời điểm ký.
- Hiệu lực của chữ ký điện tử chuyên dùng có thể được kiểm tra theo
điều kiện do các bên tham gia thỏa thuận.
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Yêu cầu đối với chữ ký số là chữ ký
điện tử
- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối
với thông điệp dữ liệu.
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ
liệu được chấp thuận.
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời
điểm ký.
- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể
bị phát hiện.
- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số
chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung
cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký
số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị
tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được
dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi
dữ liệu cần ký.
Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
- Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện
dưới dạng chữ ký điện tử.
- Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị
pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
- Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác
nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu
thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn
hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.
Vai trò của chữ ký số trong thương mại điện tử như thế nào?
Chữ ký số là một
dạng chữ ký điện tử tương tự
như “dấu vân tay” điện tử. Nó liên kết một cách an toàn người ký với tài liệu
trong giao dịch. Để đảm bảo mức độ bảo mật cao, chữ ký số sử dụng cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), và có
ba loại chữ ký chính: chữ ký điện tử nâng cao, chữ ký điện tử đủ điều kiện và chữ ký điện tử đơn giản.
Chữ ký số là công nghệ xác thực, đảm bảo anh ninh và an toàn
cho giao dịch trên môi trường Internet. Giải quyết vấn đề toàn vẹn dữ liệu và
cũng là bằng chứng để chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký kết, giúp
các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ hoàn toàn yên tâm về mặt
pháp lý với các giao dịch điện tử của mình.
Việc sử dụng chữ ký số giúp đảm
bảo rằng các tài liệu điện tử không bị can thiệp, làm cho các giao dịch trực
tuyến trở nên an toàn hơn. Chữ ký số cung cấp
một phương thức nhanh chóng và dễ dàng để xác minh danh tính của các bên tham
gia vào giao dịch thương mại điện tử, bao gồm
cả giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Chữ ký số gần như
không thể làm giả. Hầu hết các giao dịch thương
mại điện tử sử dụng mã hóa dữ liệu để bảo vệ thông tin trao đổi giữa khách hàng và
người bán. Khi sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp được phê duyệt, phần mềm chữ ký điện tử thường cung cấp tính bảo mật nâng
cao và được công nhận toàn cầu trong suốt quá trình giao dịch; phần mềm này cũng cho phép đánh dấu thời gian,
ghi lại ngày và giờ thực hiện ký kết; lớp bảo mật
đảm bảo tài liệu không bị can thiệp, cả người
mua lẫn người bán không thể phủ nhận thời điểm giao dịch diễn ra.
Hơn nữa, sử dụng chữ ký số giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giảm thiểu
giấy tờ, từ đó tiết kiệm chi phí cho tài nguyên vật lý; góp phần đẩy nhanh các giao dịch qua mạng mà vẫn đảm bảo độ an toàn
và bảo mật thông tin tuyệt đối. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiết kiệm chi phí mà còn tối ưu
hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian cho nhân sự và giảm không gian văn
phòng cần thiết để quản lý và vận chuyển tài liệu. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể
tập trung hơn vào các hoạt động cốt lõi và nâng cao hiệu suất làm việc.
Hằng – P.BCVT&CNTT