Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
(Stttt.binhthuan.gov.vn) Từ ngày
25/12/2024, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước
và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam sẽ thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 quản lý, cung cấp,
sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
(Hình từ internet)
Theo Nghị định
147/2024/NĐ-CP các tài khoản mạng xã hội phải được xác thực số điện
thoại mới được hoạt động.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những quy định mới về trách nhiệm
cho những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên
biên giới vào Việt Nam, có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt
Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong một tháng (số
liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở
lên.
Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải thực hiện xác thực
tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại
Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di
động tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ phải thực hiện xác
thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định
danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng
livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài
cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá
nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, phải đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác
thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ
thông tin trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung
cấp dịch vụ mạng xã hội phải có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo các
nội dung không phù hợp với trẻ em, triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi
trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ
ngày 25/12/2024. Trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị định có hiệu lực, tổ
chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào
Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải
thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ
mạng xã hội.
Như vậy, kể từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội tại Việt
Nam sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động. Chỉ trong trường hợp
không có số điện thoại di động tại Việt Nam, người dùng sẽ phải xác thực tài
khoản bằng số định danh cá nhân.
Về quy định tại Điều 36 Nghị định số
147/2024/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bao gồm tổ chức, cá nhân) có
quyền và nghĩa vụ sau đây:
Được
sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định của pháp luật.
Được
bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định của pháp
luật trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền
trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Tuân
thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Chịu
trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên
mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Các
tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội có
quyền đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và
thông tin điện tử) để được tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật về cung
cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và được khuyến nghị lựa
chọn quảng cáo.
Tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành
khi thực hiện việc cung cấp thông tin, dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội;
tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, thanh toán khi thực hiện các hoạt động
kinh doanh, hoạt động giao dịch liên quan trên mạng xã hội.
Chủ
tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng
đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống
hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc
tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt
động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình,
truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...; phải chịu trách nhiệm quản lý nội
dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội
dung của mình; có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật,
thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác,
thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm
cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người
sử dụng dịch vụ) chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn
bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát
thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và
phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa
phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc chậm nhất
là 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ; không lợi dụng
mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo
chí.
Tài
khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội khi cung
cấp thông tin bằng tính năng livestream phải tuân thủ các quy định tại Nghị
định này. Trường hợp cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ chuyên ngành
khác thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về quy định tại Điều 57 Nghị định 147/2024/NĐ-CP của
Chính phủ quy định không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa
những người chơi trò chơi điện tử với nhau.
Trong đó, Nghị định quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm
thưởng
Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên
mạng chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi
điện tử trên mạng theo đúng nội dung mà doanh nghiệp đã báo cáo trong hồ sơ
được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, Giấy xác nhận
thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.
Người chơi được dùng điểm thưởng hoặc đơn vị ảo có
trong tài khoản trò chơi của mình để mua, đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khởi tạo trong chính trò chơi đó.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có
nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử
theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung trò chơi đã được
phê duyệt, cấp Quyết định. Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng
(bằng tiền hoặc hiện vật thật bên ngoài trò chơi) vào giao diện, tính năng của
trò chơi điện tử trên mạng.
Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng
trong phạm vi trò chơi điện tử trên mạng và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp
đã báo cáo, không được quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ trả trước dịch vụ viễn
thông di động, thẻ ngân hàng, thẻ mua hàng, thẻ game, thẻ quà tặng hoặc các
hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử trên mạng.
Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa
những người chơi với nhau.
Phải cung cấp thông tin khi đăng ký tài khoản sử dụng trò
chơi điện tử trên mạng
Nghị định cũng quy định rõ khi đăng ký tài khoản sử dụng trò
chơi điện tử trên mạng, người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác những thông
tin sau đây: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt
Nam. Trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo
pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám
hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi,
nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên
mạng phải lưu giữ các thông tin của người chơi trong suốt quá trình người chơi
sử dụng dịch vụ và trong 06 tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ, bảo
đảm người chơi có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho
mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác; phải
triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu của cơ quan có
thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.
(Hình từ internet)
Về phát hành thẻ game, quy
định tại Điều 58 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò
chơi điện tử trên mạng được phát hành và chịu trách nhiệm quản lý thẻ game.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chỉ
sử dụng thẻ game để cho phép người chơi nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên
mạng hợp pháp của chính doanh nghiệp đó hoặc của các doanh nghiệp khác trong
một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của doanh nghiệp
đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không
phép hoặc vào mục đích khác.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi
phát hành thẻ game phải ban hành quy định nội bộ về phát hành thẻ áp dụng trong
hệ thống của mình. Khi phát hành thẻ phi vật lý, doanh nghiệp phải xây dựng tài
liệu mô tả quy trình mở/ngừng sử dụng thẻ, quy trình thực hiện giao dịch thẻ,
quy trình quản lý rủi ro (bao gồm các bước: Nhận diện, đo lường, kiểm soát và xử
lý rủi ro), phạm vi sử dụng thẻ và biện pháp kiểm soát việc sử dụng thẻ đúng
phạm vi đã thỏa thuận.
Báo cáo về số lượng, mệnh giá thẻ, doanh thu do doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phát hành trong báo cáo định kỳ của
doanh nghiệp và gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền
hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh
nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.
Trước khi ngừng phát hành, sử dụng thẻ game 30 ngày, doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải thông báo bằng văn bản
cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện
tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở
hoạt động để theo dõi, quản lý. Nội dung báo cáo bao gồm: tổng số số lượng thẻ
đã phát hành, tổng số lượng thẻ đã nạp tiền, tổng số lượng thẻ còn tồn, mệnh
giá thẻ, tổng doanh thu trong thời gian doanh nghiệp phát hành thẻ.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng gửi
báo cáo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền
thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) Sở Thông tin và Truyền
thông địa phương, nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ
thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và
Truyền thông địa phương. Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến,
phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/12/2024.
Hoàng Sâm