TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN PHƠI NHIỄM TRƯỜNG ĐIỆN TỪ CỦA CÁC TRẠM THU PHÁT SÓNG THÔNG TIN DI ĐỘNG (BTS)
Vì
sao có nhiều Trạm BTS?
Hiện nay, Việt Nam có 5 nhà mạng
cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất, sử dụng hệ thống điện thoại di động
thông dụng đó là VinaPhone, MobiFone, Viettel, Gtel, Vietnamobile với khoảng
hơn 130 triệu thuê bao. Do số lượng thuê bao quá lớn đã bắt buộc các nhà mạng
phải phát triển các trạm thu phát theo mô hình cấu trúc tế bào (một khu vực
nhất định, sẽ được phục vụ bởi một BTS), với mật độ cao để bảo đảm chất lượng
dịch vụ. Vài năm gần đây, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao cùng với việc
phải đầu tư để đáp ứng sự phát triển các dịch vụ trên nền 3G/4G và 5G dẫn tới
sự xuất hiện ngày càng nhiều của các BTS. Theo thống kê, đến nay trên cả nước
hiện có khoảng trên 318.272 trạm BTS (riêng ở tỉnh Bình Thuận có 4.259 trạm).
Sóng
của trạm BTS liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
Trong thời gian qua đã có một số
dư luận về những ảnh hưởng không tốt của các trạm BTS đến sức khỏe con người,
đã gây nhiều hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn
chưa có bằng chứng khoa học nào về sự ảnh hưởng nói trên. Nhiều nghiên cứu
trong thời gian qua về sóng điện từ của các BTS đều cho thấy các bức xạ điện từ
từ điện thoại di động không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Theo kết quả nghiên cứu của Ủy
ban Quốc tế về phòng chống bức xạ không ion hóa (ICNIRP) và nghiên cứu của Liên
minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về ảnh hưởng của sóng điện từ viễn thông: sóng
điện từ tùy theo cường độ, tần số, khoảng cách, mức độ che chắn... mà có thể có
ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, đối với sóng vô tuyến
TTDĐ của các hệ thống điện thoại di động ở nước ta hiện nay, với tần số hoạt
động trong khoảng từ 450 MHz đến 1.800 MHz, sóng vô tuyến này không phải là bức
xạ ion hóa như các tia X hoặc tia gamma, do đó không gây ra các hiện tượng ion hóa
hoặc phóng xạ trong cơ thể con người.
Tiêu
chí giám sát tại Việt Nam
Hầu hết các nước trên thế giới
đều có những tiêu chuẩn về mức giới hạn an toàn của sóng điện từ. Tại Việt Nam,
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005
về “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio”. Bộ Thông tin và Truyền
thông cũng đã xây dựng hệ thống văn bản quản lý về bức xạ điện từ của các BTS
bao gồm:
- Công bố bắt buộc áp dụng Tiêu
chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 về quản lý an toàn trong bức xạ tần số radio.
Với việc bắt buộc áp dụng TCVN này, giá trị mật độ dòng năng lượng (S) quy định
đối với các BTS là 2 W/m2. Giá trị này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới
hạn của một số tổ chức và một số nước (ước tính đối với các BTS hoạt động tại
tần số 900 MHz): tổ chức ICNIRP là 4,5 W/m2; Mỹ, Nhật là 6 W/m2; Anh là 32 W/m2
(riêng Trung Quốc quy định giá trị thấp 0,4 W/m2).
- Thông tư 09/2009/TT-BTTTT ngày
24-3-2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về kiểm định và công bố sự phù hợp
đối với công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông và Thông tư
11/2009/TT-BTTTT về danh mục công trình viễn thông bắt buộc công bố sự phù hợp.
Theo đó, từng BTS lắp đặt mới trong thời gian 90 ngày kể từ ngày đưa công trình
vào khai thác sử dụng phải được kiểm định tuân thủ TCVN 3718-1:2005 thì mới
được hoạt động. Đối với các BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất
bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăngten làm cho các tiêu chí về an toàn
trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định
hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) thì phải kiểm định lại...
Người
dân có thể yên tâm với BTS
Như vậy, nhằm bảo vệ
cho người dân sống quanh các BTS khỏi ảnh hưởng của phơi nhiễm vô tuyến điện, Bộ
Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện
nghiêm các quy định nêu trên thông qua hình thức quản lý là kiểm định công
trình viễn thông. Với những quy định và cơ chế giám sát hiện nay, chúng ta có
thể yên tâm về sự ảnh hưởng của sóng BTS với sức khỏe người dân .